Lên năm tuổi, anh bảo tôi: Mày đếch phải con trai vì hay khóc nhè. Tất nhiên là tôi không đồng ý. Từ đó tôi không khóc nữa, cho dù có ngã xầy da, xước đầu gối thì tôi nhất quyết không khóc. Cũng có lần đi nhổ răng bị tiêm vào lợi đau quá, nhưng tôi chỉ chảy nước mắt thôi chứ không kêu rầm trời như mấy đứa con gái vào trước. Đàn ông con trai mà! Thế rồi tức tốc chạy đi tìm khoe với anh bạn rằng mình đã thành đàn ông như thế nào. Anh cười khẩy, bảo tôi vẫn chưa phải là đàn ông. Phải học toán giỏi hơn bọn con gái thì mới là đàn ông. Từ năm lớp 1, tôi đã lao vào học toán như điên. Đến năm lớp 4, tôi giải được những bài toán cải cách mà mấy cậu bạn tôi cũng phải bó tay. Ấy mà cái môi anh vẫn cứ trề ra mới lạ chứ. Anh bảo: Nếu không biết chơi những trò của con trai thì làm sao gọi là con trai được. Vậy là chương trình phấn đấu để trở thành một thằng con trai thật sự của tôi lại bị thay đổi chút ít. Đến năm học cuối cấp hai, tôi đã có thể song phi cao tới bàn cao quá đầu bọn con trai cùng lớp. Chơi ném loong thì hất tung cái ống bơ sữa bò lên tận đầu phố. Bổ vỡ đôi hơn chục con quay của bọn bạn. Mặt anh vẫn lạnh lùng. Đàn ông thì phải gánh nước thay bố mẹ chứ. Ai đời nhà có con trai mà cứ để bố mẹ đêm nào cũng thức đến ba, bốn giờ sáng để kẽo kẹt gánh nước thế bao giờ? Đến khi học cấp III, tôi khoe nhà mình đã lắp đường ống nước Hà Lan, không còn phải gánh nước nữa. Nhưng, anh bảo tôi vẫn đếch phải là đàn ông. Làm đàn ông thế nào khi mà chưa có bạn gái? Ôi cái sự dễ hiểu thế mà sao tôi có thể quên cơ chứ? Nhưng khốn nỗi, muốn cưa cẩm con nhà người ta thì phải có xe cộ, tiền tiêu đàng hoàng. Chương trình của tôi được hoạch định gói gọn trong năm năm. Bỏ học đại học, học tiếng Anh cấp tốc để xin việc. Lao vào làm ngày làm đêm, đặng đổi được chiếc xe cuốc cọc cạch thành cái xe máy. Đích đến của tôi đang ngày càng rõ nét… Đưa thiếp cưới đến nhà ai thì ngại chứ đưa đến nhà anh, thậm chí tôi còn thấy vui là đằng khác. Anh không hề mất cảm giác: Đàn ông cái con khỉ! Đã có nhà riêng chưa đòi làm đàn ông? Hơ… cái này thì tôi chưa hề nghĩ đến. Vốn đơn giản, tôi định rằng nếu nhà chật thì vợ chồng cứ thuê nhà mà ở chứ cần gì mua. Anh bảo, thế hai mươi năm nữa con cậu nó khoe với bạn nó là bố nó vẫn đi thuê nhà để ở, nhưng vẫn là người đàn ông chân chính à? Ôi trời, sắp có sự vui mà đầu óc tôi vẫn cứ mụ mị cả đi. Trong đám cưới, tôi vẫn cười để chụp ảnh nhưng ai cũng tưởng chú rể nhớ người yêu cũ nên buồn quá, mặt rầu rầu như có đám. Hai mươi năm lấy nhau là hơn bảy nghìn ngày vợ tôi phải đi ngủ trước để tôi hì hục đến sáng sớm mà làm việc - mọi người gọi là “cày” - để kiếm tiền. Trong nhà, chồng báo về thông tin nhà đất nhiều đến độ, cứ ba tháng một lần, vợ tôi lại gọi hàng đồng nát vào bán. Cũng đến một ngày, tôi mời anh chị đến mừng tân gia. Ngày mà tôi chắc mẩm anh phải công nhận với tôi rằng trở thành người đàn ông thực sự không phải là điều không tưởng đã đến.. Rượu đã ngà ngà, anh giơ cao chén, chúc tôi: Chúc cô chú mau dựng vợ gả chồng cho cháu. Một người đàn ông thực sự phải sớm lo chu toàn cho con mình chứ. Miếng thịt gà trong mồm tôi như nghẹn lại. Không hóc xương nhưng nước mắt giàn giụa đến nực cười. Đến bây giờ tóc tôi đã muối tiêu, tóc anh đã phải đi nhuộm nhiều lần. Thỉnh thoảng anh vẫn đến thăm tôi làm vài ván cờ. Thỉnh thoảng anh lại hỏi tôi, thế đã nhắm được cái nhà nào cho thằng cả chưa? Thế đã xin được cho thằng cháu nội đi học mẫu giáo chưa? Thế hai vợ chồng đã định làm gì khi về hưu chưa? Đàn ông, đàn ang thì phải lo lắng được cho con cháu chứ. Tôi thủng thẳng nói, làm đàn ông thế quái nào được hả anh? Lo thế thì lo cả đời. Anh lại cười đắc chí, thế nhé, thành đàn ông thế đếch nào được? Trong khi phụ nữ cứ đẻ con xong là thành đàn bà. Làm đàn ông thì còn lâu. Đúng lúc ấy, thằng cháu nội nó mải chạy, vấp ngã lăn ra sân. Cả hai lão già ngoảnh đầu lạnh te: “Đàn ông con trai thì phải tự đứng dậy chứ nằm đấy mà khóc à?”
|